Thursday, June 4, 2015

Chuyện giả tưởng về Đại Tá Lê Quang Tung ( đọc cho vui)


Lê Quang Tung ngày nhận lon Đại tá Tư lệnh LLĐB.
Ông Thạch cho rằng Đinh Đồng Phủ chỉ là một cái tên giả để che giấu một thân phận thật mà nếu được thừa nhận, một số chi tiết lịch sử sẽ phải được viết lại! Ông ta chính là... cựu Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt dưới thời Ngô Đình Diệm!


Bất ngờ từ một vụ án nhỏ Ngày 12/11/2004, Công an huyện Định Quán, Đồng Nai đã bắt quả tang một đối tượng làm giả giấy tờ để đưa người xuất cảnh sang Mỹ. Kẻ bị bắt tên là Đinh Đồng Phủ, 73 tuổi, Việt kiều Mỹ. Sử dụng một số giấy tờ giả, Đinh Đồng Phủ tự xưng là viên chức của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM, làm việc tại bộ phận phụ trách tái định cư. “Nhiệm vụ” của Đinh Đồng Phủ, theo lời “tự giới thiệu”, là tìm hiểu và hướng dẫn những người trong diện ra đi có trật tự (ODP) và diện con của sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa (HO), giúp họ hoàn tất thủ tục để sang Mỹ định cư trong đợt bổ sung vào cuối năm 2004. Mỗi người muốn ra đi phải đóng cho Phủ hàng ngàn USD để làm hồ sơ. Lừa được khoảng 30 người thì Phủ bị phát hiện và bắt giữ. Đinh Đồng Phủ bị bắt buổi sáng thì ngay chiều hôm đó, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM đã nhanh chóng đưa ra thông cáo: hai chương trình tái định cư cho những người thuộc diện ODP và HO năm 2004 đã hoàn toàn chấm dứt từ tháng 9. Sau thời điểm đó, phía Hoa Kỳ sẽ không nhận thêm bất kỳ một hồ sơ nào khác, chỉ giải quyết những hồ sơ đã nộp từ trước. Mặt khác, Tổng Lãnh sự quán cũng khẳng định: họ không hề có bất kỳ một nhân viên nào tên là Đinh Đồng Phủ. Mẩu “tin vắn” về vụ việc này hầu như chẳng khiến mấy người lưu tâm. Nhưng đến thời điểm tưởng chừng như vụ việc đã bị chìm hẳn vào quên lãng thì nó lại được xới lên. Áp Tết Nguyên đán 2009, có một Việt Kiều Canada tên là Phan Bảo Thạch về tìm gặp chúng tôi, mang theo một số mẩu báo có đăng tin về vụ Đinh Đồng Phủ đã khá cũ kỹ và một số tài liệu khác. Với một niềm tin mạnh mẽ, ông Thạch cố chứng minh rằng sự việc của hơn 4 năm trước không đơn giản chỉ là một vụ án lừa đảo bình thường. Ông Thạch cho biết, cả ông lẫn một số người từng là quan chức chế độ cũ hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ, Canada, Australia đều hoài nghi nhân vật Đinh Đồng Phủ đang hoạt động... gián điệp. Hơn thế nữa, Đinh Đồng Phủ chỉ là một cái tên giả để che giấu một thân phận thật mà nếu được thừa nhận, một số chi tiết lịch sử sẽ phải được viết lại! Ông ta chính là... cựu Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt dưới thời Ngô Đình Diệm!

Thảm kịch của tham vọng và quyền lực
Khác xa cái tên Đinh Đồng Phủ vô danh, Lê Quang Tung từng là một nhân vật đặc biệt quan trọng của nền đệ nhất Cộng Hòa. Sinh năm 1926 (có tài liệu ghi là 1923 - TG), Lê Quang Tung xuất thân là một chủng sinh trường dòng nhưng không trở thành linh mục Thiên Chúa giáo mà chọn binh nghiệp làm sự nghiệp. Ông ta được xem như nhân vật quyền lực số 2 sau Ngô Đình Nhu trong đảng Cần lao Nhân vị. Tháng 2/1956, khi đơn vị đầu tiên của Liên đội quan sát số 1, sau đổi thành Liên đoàn quan sát số 1 được thành lập, Ngô Đình Nhu đã giao nó cho Lê Quang Tung chỉ huy. Sau khi bị đảo chính hụt ngày 11/11/1960, Ngô Đình Nhu đã ráo riết nâng cấp, mở rộng Liên đoàn quan sát, xây dựng nó thành Lực lượng đặc biệt nằm ngoài biên chế quân đội, chuyên trách các hoạt động bí mật như do thám, phá hoại, ám sát, thủ tiêu, phản gián... nhằm loại trừ nguy cơ và những phần tử đối lập trong lòng chế độ. Lê Quang Tung được vinh thăng Đại tá, chính thức được bổ làm Tư lệnh LLĐB từ ngày 1/1/1961, kiêm luôn Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống. Em ruột Lê Quang Tung là Thiếu tá Lê Quang Triệu được cử làm Tham mưu trưởng của LLĐB. Trên toàn miền Nam Việt Nam, quyền lực của LLĐB và anh em Tung - Triệu có thể nói là vô biên, đứng cao hơn cả hiến pháp và pháp luật! Ân sủng của nhà Ngô dành cho anh em họ lại là nguyên nhân dẫn đến một kết cục cực kỳ bi thảm. Trong mắt những tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa theo Dương Văn Minh dự mưu đảo chính anh em Ngô Đình Diệm thì Lê Quang Tung - Tư lệnh LLĐB cùng với Đại tá Hồ Tấn Quyền - Tư lệnh Hải quân đích thực là hai cái gai. Hai nhân vật này tuyệt đối trung thành với nhà Ngô, thuyết phục họ theo phe đảo chính là điều không thể. Để cho họ sống lại càng cực kỳ nguy hiểm.  
Trong biến cố 11/11/1960, Hồ Tấn Quyền và Lê Quang Tung chính là hai người đã chỉ huy Hải quân và Liên Binh phòng vệ chống trả quyết liệt làm đảo ngược thế cờ, dẫn đến sự thảm bại của phe đảo chính. Vì thế, tiếng súng đảo chính chưa nổ, số phận của hai nhân vật này đã được định đoạt. Cả hai đều nhận được điện thoại mời đến Bộ Tổng tham mưu dự họp trước giờ nổ ra đảo chính. Trưa ngày lễ Các Thánh 1/11/1963, lấy lý do mừng sinh nhật lần thứ 36 của Đại tá Hồ Tấn Quyền, Thiếu tá Trương Ngọc Lực, Chỉ huy trưởng vùng III Sông ngòi và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 24 kiêm Chỉ huy trưởng đoàn Giang Vận đã mời Đại tá Quyền ra Thủ Đức dự tiệc do một số sĩ quan Hải Quân tổ chức. Ban đầu, Đại tá Quyền từ chối, nhưng Lực và Giang năn nỉ mãi nên cuối cùng viên tư lệnh Hải Quân cũng gật đầu. Đích thân viên Đại tá ngồi sau tay lái chiếc Citroen đưa hai “đệ tử cật ruột” đến buổi tiệc. Khi xe vừa rẽ khỏi xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, Thiếu tá Trương Ngọc Lực ngồi ghế kế bên đã bất ngờ rút dao găm đâm Hồ Tấn Quyền. Đang giằng co, giành được dao găm đâm một nhát vào tay tên đàn em, Đại tá Quyền đã bị Đại úy Giang ngồi băng sau rút súng ngắn chĩa vào vai bắn chết. Đến Bộ Tổng Tham mưu dự họp, số phận của viên Tư lệnh LLĐB cũng kết thúc không mấy khác. Khi vào phòng họp, Lê Quang Tung được thông báo: chỉ được chọn lựa giữa hai con đường: hoặc phản anh em Ngô Đình Diệm, theo phe đảo chính, hoặc chết. Dương Văn Minh và các tướng lĩnh chóp bu trong “Hội đồng quân nhân cách mạng” Trước đông đảo tướng lĩnh của cái Hội đồng quân nhân cách mạng vừa tuyên bố thành lập, Lê Quang Tung đã từ chối thẳng thừng và lớn tiếng mạt sát: “Tụi bây đeo lon, mặc áo, thụ hưởng phú quí, lạy lục để được Tổng thống Diệm ban ơn mà nay lại giở trò bất nhân bất nghĩa...”. Đến đó, theo lệnh Dương Văn Minh, Đại úy Nguyễn Văn Nhung và hai tên thuộc hạ của Nhung đã xô tới kè chặt vai Lê Quang Tung lôi ra khỏi phòng họp. Tung bị ba tên đồ tể lôi ra nghĩa trang Bắc Việt tương tế nằm ngay sau lưng Bộ Tổng Tham mưu và đâm nát người bằng dao găm, vùi xác ngay tại chỗ không quan tài hay bó liệm gì cả. Nghe tin anh mình bị bắt, Thiếu tá Lê Quang Triệu vội chạy đến Bộ Tổng tham mưu hỏi thăm tin tức và cũng chịu chung số phận. Triệu rất khỏe, dù bị đâm vẫn vẫy vùng chống cự quyết liệt. Phải vất vả lắm, Đại úy Nhung và hai tên thuộc hạ mới giết được anh ta và chôn sơ sài bên cạnh chỗ người anh mới bị vùi xác. Rất nhiều sách báo viết về sự kết thúc của nền đệ nhất Cộng hòa đã mô tả những chi tiết này. Trong hầu hết hồi ký của các tướng lĩnh Sài Gòn dự phần đảo chính, những người từng có mặt và chứng kiến vụ việc, cái chết của Lê Quang Tung đều được xác nhận. Người ra lệnh, kẻ trực tiếp thực hiện việc hạ sát anh em Tung, Triệu đều được điểm mặt, chỉ tên. Vì thế, chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên và hoài nghi trước thông tin Lê Quang Tung còn sống, núp dưới cái tên giả là Đinh Đồng Phủ mà ông Phan Bảo Thạch và một số người khác đưa ra. Thế nhưng, câu chuyện mà ông Thạch thuật lại mang nhiều yếu tố ly kỳ, nghe qua cũng khá có cơ sở.
Người bạn tù bí ẩn Cuối năm 1976, vì tội tổ chức đưa người vượt biên trái phép, Phan Bảo Thạch bị chính quyền Cách mạng bắt giam tại Trại giam Chí Hòa, chung khu giam giữ với một số đối tượng sĩ quan, viên chức chế độ cũ bị bắt học tập cải tạo. Những ân oán, xích mích trong trại giam đã dẫn đến việc Phan Bảo Thạch bị bạn tù đâm lén. May mắn thoát chết, anh được đưa ra trạm xá trại giam điều trị vết thương. Chung buồng bệnh với anh là một người tù bị lao phổi nặng, có lẽ đã chuyển thành ung thư đang nằm chờ chết, người teo tóp chỉ còn da bọc xương. Trong hồ sơ khai báo tại trại, ông ta tên là Đinh Đồng Phủ, 50 tuổi. Tuy nhiên bệnh tật đã khiến bề ngoài ông ta già yếu hơn nhiều Dù hơi thở chỉ còn thoi thóp, nhân vật này vẫn cố duy trì một lịch biểu sinh hoạt đều đặn, gần như bất di bất dịch. Ông ta thường dậy rất sớm và thức rất khuya để đọc kinh, dù chẳng đọc ra hơi. Không hiểu nghĩa nhưng ông Thạch cũng đoán được là ông ta đọc bằng tiếng Latin. Tình trạng bệnh tật của người bạn tù khiến Phan Bảo Thạch có sự xót thương. Khi vết thương của bản thân đã tạm ổn, anh thường hay giúp đỡ người bạn chung buồng những việc lặt vặt như rót nước, bón cháo, cho đến những việc chẳng ai muốn như đổ bô, dọn vệ sinh... Có lẽ sự tử tế của Thạch đã khiến bộ xương di động kia cảm động. Một hôm, ông ta thều thào gọi Phan Bảo Thạch lại ngồi bên mép giường và dặn dò đứt quãng: - Anh là người tốt. Tôi cho anh biết một bí mật. 
Cứ đem việc này báo với cán bộ trại giam, có lẽ anh sẽ được sớm ra tù. Tôi là Lê Quang Tung, nguyên Tư Lệnh LLĐB dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Câu chuyện của người tự xưng là viên tư lệnh thuở nào đẫm màu sắc huyền hoặc. Theo đó, Lê Quang Tung không chết dưới tay dao của Đại úy Nguyễn Văn Nhung và hai thuộc hạ mà bị hành quyết bằng súng kê vào ngực bắn gần bởi Đại úy Lê Minh Đảo, người đến gần tàn cuộc chiến đã được gắn lon tướng, nổi tiếng với câu tuyên bố: “Tôi sẽ chết trên thành phố Huế, Việt cộng muốn chiếm thành phố Huế phải bước qua xác tôi”, sau đó bỏ mặc quân tướng chạy trốn nhưng không thoát. Sau khi bị hành quyết, Lê Quang Tung bị hai tên hạ sĩ quan khiêng xác vứt cạnh một chiếc thiết vận xa đang đậu ngay bên hàng rào Bộ Tổng Tham mưu. Tuy nhiên, Tung chỉ bị thương rất nặng nhưng không chết. Người của Hắc Long, Cơ quan Tình báo Nhật Bản đã tìm thấy và cứu sống ông ta, sau đó bí mật đưa về Nhật Bản dưỡng thương. Tung bình phục, theo sự sắp xếp của Hắc Long, ông ta được ngụy tạo một lý lịch mới mang tên Đinh Đồng Phủ và đưa sang Thái Lan, Philippines làm việc với vai trò một chuyên gia quân sự của khối Hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á (SEATO). Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đinh Đồng Phủ đã đeo lon... Trung tướng SEATO. Ông ta được SEATO đưa vào Việt Nam để bí mật tổ chức các hoạt động phá hoại, gây bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Ông Thạch là người đầu tiên được Đinh Đồng Phủ cho biết đầy đủ danh phận thật. Đằng nào sự sống của Đinh Đồng Phủ, tức Lê Quang Tung, cũng chỉ được tính bằng ngày, chẳng còn gì phải lo lắng nữa. Nếu là một trường hợp khác, có lẽ “câu chuyện làm quà” của người bạn tù sẽ bị ông Thạch bỏ qua dễ dàng. Nhưng nhân vật Lê Quang Tung thì khác. Sau đảo chính, cái chết của Lê Quang Tung đã được nhắc đến rất nhiều nhưng không thống nhất. Nhiều người từng có người thân là nạn nhân của những cuộc bắt cóc, ám sát, tra tấn dã man dưới thời đệ nhất Cộng hòa nhắc đến cái chết thảm khốc của anh em Tung, Triệu, những hung thần của chế độ với một thái độ hả hê không giấu giếm. Những người chịu nhiều ân sủng của chế độ Ngô Đình Diệm thì thường nhắc đến Tung như một sự luyến tiếc chế độ, lấy sự trung thành với nhà Ngô của ông để làm cớ bài xích, mạt sát những nhân vật tai to mặt lớn từng dự mưu đảo chính mà họ không ưa.  
Đầu năm 1971, khi xuất bản cuốn sách “Công dân áo gấm” viết về cựu đại sứ Henry Cabot Lodge, người được xem như “phù thủy” đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính hạ anh em ông Diệm, tác giả Lê Tử Hùng đã úp mở tuyên bố là có đủ bằng chứng chứng tỏ Lê Quang Tung còn sống. Những người còn luyến tiếc nhà Ngô và bất mãn với nền đệ nhị Cộng hòa miền Nam lại có chỗ bám víu để tự huyễn hoặc mình trong một giấc mơ quyền lực. Ngược lại, những kẻ đã trót nhúng tay vào máu thì vừa lớn tiếng bác bỏ, vừa hồi hộp nghe ngóng thực hư. Với ông Thạch, sự quan tâm còn vì những lý do riêng, bởi tuy nhỏ tuổi hơn, ông cũng đã từng là bạn của Thiếu tá Lê Quang Triệu. Ít nhiều, hiểu biết chắc chắn về kết cục số phận của anh em người bạn thuở nào cũng là điều mà ông rất mong muốn. Tuy nhiên, câu chuyện của Đinh Đồng Phủ lại dường như quá hoang đường nên ông Thạch không vội tin ngay. Để kiểm tra, Phan Bảo Thạch đã đem toàn bộ câu chuyện kể lại với linh mục Giuse Trần Hữu Thanh, lúc đó cũng đang bị cải tạo tại Trại Chí Hòa. Ở miền Nam, linh mục Trần Hữu Thanh là một người rất nổi tiếng, có uy tín cả trong Giáo hội Thiên Chúa giáo lẫn trong đời sống thế tục của xã hội và chính trường. Năm 1974, cha Thanh là người đứng đầu một nhóm 301 linh mục ký tên vào bản tuyên ngôn chống tham nhũng ở miền Nam. Ông chính là người phát hiện và đấu tranh quyết liệt chống âm mưu tẩu tán 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia ra nước ngoài của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Với gia đình Lê Quang Tung, cha Thanh cũng rất thân thiết. Ông chính là cha chủ lễ thay mặt Chúa tác thành cho cuộc hôn nhân của vợ chồng Lê Quang Tung. Không mấy tin tưởng việc Lê Quang Tung còn nhưng linh mục Trần Hữu Thanh lại cung cấp thêm cho ông Thạch một số thông tin đầy nghi hoặc. Dù Lê Quang Tung được ghi nhận là đã bị thanh toán một cách bi thảm, gia đình, bạn hữu của viên tư lệnh vẫn không hề tổ chức tang lễ, cải táng hay bất kỳ một nghi lễ tôn giáo nào cho ông ta. Không khí trong gia đình Lê Quang Tung sau đó cũng chẳng quá nặng nề tang tóc như thường gặp ở những gia đình có nạn nhân chết thảm khác. Hơn thế nữa, cuộc sống của vợ và con Lê Quang Tung cũng không vì thiếu chồng, cha mà quá chật vật. Hằng năm, vợ Lê Quang Tung vẫn nhận được một khoản trợ cấp không nhỏ nhưng từ đâu gửi đến thì cha Thanh không biết. Mặt khác, khi Tung bị hạ sát, người vợ của ông ta cũng chỉ mới trên dưới 30 tuổi nhưng nhiều năm sau đó vẫn không tái giá. Những biểu hiện trong gia đình rõ ràng là giống như Lê Quang Tung chỉ đi vắng lâu ngày chứ không phải đã bỏ mạng. Không có cơ hội gặp mặt Đinh Đồng Phủ, cha Thanh không khẳng định nhưng cũng không bác bỏ việc ông ta có phải Lê Quang Tung hay không. Tuy nhiên, nếu đúng đó thật sự là Lê Quang Tung thì ở anh ta phải có hai điều. Một là trên đùi trái của anh ta phải có một vết thẹo do đạn bắn. Thứ hai, là một thầy tu xuất, Lê Quang Tung sẽ rất thông thạo tiếng Latin. Để kiểm tra, cha Thanh bày cho Phan Bảo Thạch một vài câu tiếng Latin mà ông Thạch không hiểu nghĩa, dặn ông lựa lúc vờ buột miệng nhắc đến trước mặt Đinh Đồng Phủ. Nếu là Lê Quang Tung, ông ta sẽ chắc chắn chỉ trả lời lại bằng tiếng Latin với những câu tương ứng. Phan Bảo Thạch đã thử. Quả thật, Đinh Đồng Phủ có đủ cả vết đạn lẫn những câu trả lời tiếng Latin trôi chảy mà không cần suy nghĩ. Bí mật chưa được làm sáng tỏ thì vết thương của ông Thạch đã lành. Ông được rời bệnh xá và không lâu sau đó cũng được trả tự do. Những mối băn khoăn về Đinh Đồng Phủ - Lê Quang Tung cứ nhạt dần. Trong thâm tâm, ông đinh ninh Đinh Đồng Phủ cũng đã chết từ lâu vì bệnh tật.
 
Sự thật về một bóng ma Mãi đến cuối năm 2004, qua báo chí, ông chợt gặp lại cái tên Đinh Đồng Phủ. Sự trùng hợp bởi cái tên không mấy phổ biến đã thôi thúc ông trở lại với hành trình xác minh một thân phận. Ông Thạch cho rằng, nếu quả thật người bạn tù Đinh Đồng Phủ ngày xưa còn sống và chính là Đinh Đồng Phủ vừa bị bắt năm 2004, rất có thể hành vi móc nối đưa người đi Mỹ trái phép của ông ta sẽ mang những âm mưu, mục đích khác lớn hơn nhiều so với hành vi lừa đảo giấy tờ chỉ vì động cơ trục lợi. Đối với ông Thạch, dường như việc cơ quan Lãnh sự quán Hoa Kỳ quá nhanh chóng trong việc khẳng định Đinh Đồng Phủ không liên quan gì đến cơ quan này dường như là không bình thường. Cộng hết thảy những điều bất thường, mối nghi hoặc về việc Lê Quang Tung, kẻ dự phần lịch sử còn sống hay đã chết lại một lần nữa trỗi dậy. Tuy nhiên, khi ông có điều kiện về Việt Nam, Đinh Đồng Phủ đã được trả tự do - có vẻ sớm hơn bình thường - và đã quay trở về Mỹ. 
Tất cả những cơ quan liên quan mà ông tìm hỏi đều không cung cấp thêm được chút thông tin nào để khẳng định hay bác bỏ giả thiết. Nhận thấy mối nghi hoặc của ông Thạch ẩn chứa bên trong nó nhiều tình tiết thú vị, chúng tôi đã bỏ khá nhiều thời gian cùng với ông tìm hiểu, điều tra và đối chứng lại các tư liệu. Từ nguồn thông tin tìm hiểu từ một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an, chúng tôi có thể khẳng định vụ việc Đinh Đồng Phủ năm 2004 đơn thuần chỉ là một vụ án lừa đảo bình thường, không liên quan đến những mưu đồ chính trị như ông Thạch và một số người băn khoăn. Việc lên tiếng của cơ quan Lãnh sự quán Mỹ chỉ là một thủ tục xử lý thường vụ bình thường theo qui tắc ngoại giao. Rất có thể hai nhân vật mà ông Thạch từng biết chỉ tình cờ trùng đủ họ tên, bởi nếu so tuổi tác, Đinh Đồng Phủ ông gặp ở bệnh xá Chí Hòa lớn hơn Đinh Đồng Phủ lừa đảo năm 2004 từ 6 đến 10 tuổi. Những hồ sơ tài liệu của chế độ Việt Nam Cộng hòa còn được Bộ Công an lưu trữ cũng cho thấy chẳng có gì phải nghi ngờ về việc viên Tư lệnh Lê Quang Tung đã chết năm 1963 đúng như nhiều sách báo đã mô tả. Khi đưa ra một câu chuyện ly kỳ về hành trình che giấu thân phận từ Lê Quang Tung thành Đinh Đồng Phủ, người bệnh phạm lao phổi nặng ở Trại Chí Hòa đã quên mất khá nhiều điều bất hợp lý. Nhằm mục đích “ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản”, dưới sự chủ xướng của Hoa Kỳ, ngày 8/9/1954, Tổ chức Phòng thủ, hợp tác kinh tế Đông Nam Á - Thái Bình Dương (Southeast Asia Treaty Organization, viết tắt là SEATO) đã được thành lập, với sự tham gia của 8 thành viên gồm Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Anh, New Zealand, Pakistan, Philippines và Thái Lan. Nhật Bản hoàn toàn không có tên trong hiệp ước này, cho nên việc cơ quan tình báo Hắc Long “bố trí” để thay tên đổi họ đưa Lê Quang Tung vào làm “chuyên gia” tại SEATO là điều không thể xảy ra. Trong thực tế, với một hiến chương không ràng buộc các quốc gia thành viên phải giúp đỡ lẫn nhau chống lại một mối đe dọa quân sự, SEATO cũng chỉ là một liên minh lỏng lẻo. Từ năm 1967, Pháp đã rút tên khỏi hiệp ước này. Tính chất liên minh của nó, sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam cũng nhanh chóng trở nên lỗi thời, dẫn đến việc các quốc gia thành viên đồng thuận giải tán liên minh vào ngày 30/6/1977. Chính vì thế, chẳng làm gì có cái gọi là “Trung tướng SEATO” như Đinh Đồng Phủ tự nhận. Có chăng, cấp bậc này chỉ nằm trong trí tưởng tượng vụng về và hiểu biết sứt mẻ của một kẻ bạo loạn sắp chết vì lao phổi! Tóm lại, Lê Quang Tung không chết trong biến cố 1/11/1963 chỉ là điều tưởng tượng và bịa đặt. Mà giả sử viên Tư lệnh LLĐB, rồi Trung tướng SEATO còn sống thật đi chăng nữa chắc tư cách, điều kiện ông ta cũng chẳng thảm hại đến mức tự biến mình thành một tay lừa đảo vì tiền tầm thường để rồi bị bắt như Đinh Đồng Phủ của vụ án năm 2004! Kiểm tra mọi chứng cứ, chúng tôi cho rằng, mục đích chính của một giả thuyết to tát và ly kỳ hóa ra lại chỉ nhằm một mục đích vụ lợi bé mọn và thiển cận. Vào thời điểm năm 1977, kinh tế khó khăn, năng lực y tế của Việt Nam còn hạn chế, thuốc men thiếu thốn, bệnh lao phổi thậm chí đã sắp chuyển sang ung thư như Đinh Đồng Phủ xem ra đã là quá trầm trọng, khó hy vọng có thể cứu sống. Trong tuyệt vọng, niềm ham sống đã khiến ông ta thu hết tàn lực bịa ra một câu chuyện về một nhân vật dự phần lịch sử quan trọng, hy vọng sự quan tâm đối với vai trò của nhân vật sẽ khiến ông ta được hưởng sự chăm sóc y tế tốt hơn, được cứu sống.  
Nếu trực tiếp bịa đặt thân phận với cơ quan an ninh, ông ta dễ bị lật tẩy hoặc dễ bị bỏ qua. Đánh đường vòng sang ông Phan Bảo Thạch, một bạn tù khác, đó chính là cách làm tăng sức thuyết phục cho câu chuyện bịa đặt, tăng cao cơ hội thành công để được quan tâm. Có thể nhân vật Đinh Đồng Phủ của thời điểm đó đã từng quen biết, hoặc từng là thuộc hạ của Lê Quang Tung nên ông ta có được một số hiểu biết về viên Tư lệnh để dựng nên câu chuyện mạo nhận. Đáng tiếc, hiểu biết của ông ta về nhân vật, lịch sử, cơ cấu các tổ chức chính trị lại không tỷ lệ thuận với ao ước. Ông ta cũng quên mất rằng, bất kỳ một tù nhân nào cũng được chăm sóc y tế như nhau, trong điều kiện chung có thể cho nên nỗ lực bịa đặt chỉ là công việc vô ích.
Một điều không thể thay đổi là lịch sử chỉ có một, không có chữ “nếu”. Không ít thế lực, không ít cá nhân, vì không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều đó, vẫn cố tình bám víu vào những hoài niệm và hy vọng hão huyền để cố giải thích hoặc tìm kiếm một vài cơ hội thay đổi mơ hồ, đi ngược vòng quay lịch sử.  
Đó chính là mảnh đất màu mỡ để những câu chuyện hoang đường mượn vay sự thật có thể tồn tại. Đó cũng chính là lý do để bóng ma của viên Tư lệnh LLĐB Lê Quang Tung còn có thể lởn vởn và ám ảnh tâm trí một số người, nhất là những người mà sự nghiệp, cơ hội đã không còn nữa. Sự thực, ông ta đã chết từ tám hoánh!

No comments:

Post a Comment